Trang

Thursday, May 3, 2012

Thơ của Tiến sỹ Nguyễn Khắc Hào, phó chủ tịch UBND Hưng yên (sưu tầm)

TS Nguyễn Khắc Hào - Phó chủ tịch Tỉnh phát biểu ý kiến căn dặn nhà trường.
http://www.thpt-nguyensieu-hungyen.edu.vn/Details.aspx?btID=96

Bỗng nhiên ông Nguyễn Khắc Hào, PCT thường trực UBND Hưng Yên, trở thành nổi tiếng, mới từ hôm qua 2/5, với câu nói: "Vụ việc ở Văn Giang có sự móc nối các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, được tường thuật tại chỗ, từng giờ để xuyên tạc, dàn dựng các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”*). Cách nói của ông sao giống cách ông TS Nguyễn Văn Thành, bí thư thành ủy Hải phòng, giải thích vụ anh Vươn ở Câu lạc bộ Bạch Đằng  ngược với kết luận của Thủ tướng thế!

Nghe  bác Đào Tiến Thi nói ông Hào là thạc sỹ ngữ văn, nhà thơ, nhà giáo ưu tứ, có bài thơ được đưa vào sách giáo khoa lớp 3, thử vào google.vangiang tìm thì thấy quả có ít nhất 2 bài thơ đang được lưu hành. Còn tìm thấy ông Hào đã có danh tiến sỹ- mới thấy các blogger nhà ta thật quan liêu, bé cái lầm quá.

Hai bài thơ tìm được có những tứ hồn nhiên, đậm chất đồng quê của những đứa trẻ tinh nghịch chăn trâu bắt bướm, những đêm rằm tụ tập chơi đùa ngắm trăng. Có tình của người nông dân với đất và đặc biệt với nước. Bài "Hạt mưa" gợi nhớ bài đồng dao bà tôi dạy  mà mỗi trưa hè nhìn cái nắng chói chang kéo dài hàng tháng, đất ruộng nứt nẻ lọt chân trâu và giếng làng khô cạn chúng tôi lại cầu trời:
"Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp."
Còn đây là tứ thơ Nguyễn Khắc Hào:
"Hạt mưa ủ trong vườn
Thành mỡ màu của đất
Hạt mưa trang mặt nước
Làm gương cho trăng soi." (Trích "Hạt mưa", thơ Nguyễn Khắc Hào)
Đọc những dòng thơ cảm động này về hạt mưa, trong cái ám ảnh khủng khiếp của trận cưỡng chế Văn Giang, lại nghĩ một ngày hạt  mưa Văn Giang rơi trên mặt bê tông của Ecopark, vỡ tung tóe, trôi tuột đi, tụ lại, dâng lên, ngập lụt đường nhựa đô thị, trôi ra cống, chảy ra sông, mà không có cơ hội nào cho nó được ủ làm màu mỡ cho đồng lúa, được trang mặt nước thêm oxy cho những đầm cá quê hương ông? Và người nông dân sẽ ra sao? Có muốn một nắng hai sương, muốn bán mặt cho đất bán lưng cho trời, làm nông dù nghèo mà an cư lạc nghiệp, cũng không thể được nữa. Họ sẽ làm gì hay lại bổ sung vào lực lượng dân nghèo đô thị thất nghiệp, bán hàng rong thì bị dẹp, xích lô ba gác cũng đã bị dẹp? Con cái họ sẽ cảm nhận hạt mưa như tâm hồn trong trẻo của ông lúc viết bài thơ này không?

Trở lại những câu phát ngôn làm ông Hào nổi tiếng. Trận cưỡng chế 24/4 ông có ra tận nơi không? Có chứng kiến quân dàn đội ngũ hùng hậu, tiếng nổ rền và bụi khói mù mịt như các video clip đầy trên mạng? Xem video clip này, mà hai nhân vật bị đánh té ra là 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam- nhà báo Ngọc Năm và phóng viên Phi Long, thì nó là quay tự nhiên không được dàn dựng hay được dàn dựng? Lại nhớ TS Nguyễn Khắc Hào tả ông Giăng, ý thơ phảng phất câu đố dân gian về quả dừa "Chân không đến đất/Cật chẳng đến trời/Lơ lửng giữa vời/Mà mang bụng nước". Lại hình dung lúc ông dõng dạc báo cáo Thủ tướng cùng quan chức các tỉnh bạn giữa hội nghị hôm 2/5 mà không đặt chân xuống đất để chứng kiến sự thật, cũng không ngồi hẳn lên cao trên Điện Cửu trùng để thấy bao trùm sự việc mà hiểu nguồn cơn của phản ứng của đồng bào. Vậy xin vô phép TS Hào, mượn ba câu đầu trong bài "Trung thu" mà tức cảnh sinh tình rằng:
"Chẳng có dây mà đeo
Chẳng có chân mà đứng
Cứ lửng lơ giữa trời"                (Trích "Trung thu", thơ Nguyễn Khắc Hào)
Nỏ mồm "không" nói ""!"
________________
- Trích ngang:
       Ông Nguyễn Khắc Hào
       Sinh ngày: 12/5/1955
       Quê quán: Minh Hoàng, Phù Cừ
       Chức vụ: Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
       Học vị: Tiến sỹ (chưa tìm thấy thông tin chi tiết về đề tài nghiên cứu, cơ quan bảo vệ và thầy hướng dẫn)
- Đọc thêm nguyên văn hai bài thơ của tiến sỹ Nguyễn Khắc Hào:
---------------------
Viết thêm 10/5/2012: Vì nhiều bạn phản hồi, chỉ trích tôi minh oan hộ cho ông Hào, rằng tôi mượn hình ảnh ông Giăng vô tình, vì quan liêu mà phạm lỗi. Xin được nhận lỗi phiến diện, cũng vì tôi vẫn tin còn chút nào ở tư cách một ông thầy (ông Hào từng là ông thầy lớn, Nhà giáo ưu tú từng là quan đốc học cơ mà), vẫn tin còn chút nào ở tính khách quan và trung thực của một người làm nghiên cứu khoa học (ông Hào là tiến sỹ cơ mà). Các phản biện đa dạng, đa chiều xin xem bài của Hiệu Minh và nhiều bình luận sôi nổi ở đó: Đọc Hiệu Minh: "Tản mạn về chữ...Hào"
Phát ngôn của ông Hào thật đã là nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả bất đắc dĩ- mà blogger này là một. Xin đọc bài viết sâu sắc của một cô giáo- Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh: "Văn Giang, Ngọc Năm và thơ Nguyễn Vĩ"

Update 14/5/2012: Theo bài viết này của Cụ Lê Hiền Đức thì té ra ông Hào cũng chỉ là người phát ngôn kiểu "học thuộc lòng" bất chấp lương tâm cho Bí thư, Chủ tịch và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên thôi! Hay thế nhỉ, cái tâm của người thầy, cái lương tri đồng cảm với cái thiện và căm ghét cái ác của nhà thơ, cái khách quan và trung thực của nhà khoa học của ông ai tha đi mất rồi? Mà liệu ông đã bao giờ có các phẩm chất ấy không nhỉ?
Đọc Cụ Lê Hiền Đức- Blog: "TÔI TRỰC TIẾP QUAN SÁT VỤ CÔNG AN ĐÁNH NHÀ BÁO":
"Sau khi ông báo cáo láo với thủ tướng, tôi có gọi điện nói chuyện trực tiếp với ông Nguyễn Khắc Hào thì ông ấy trả lời tôi rằng: “Bác ơi, con chỉ là phát ngôn thôi, con nói đúng là ý của bí thư, chủ tịch và lãnh đạo tỉnh nói chung."
__________________________
Ghi chú:
*) Hai người bị đánh hội đồng mà người dân ghi hình lại được té ra là 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam- nhà báo Ngọc Năm và phóng viên Phi Long! Nghe nhà báo Ngọc Long trả lời phỏng vấn BBC "Nhà báo kể chuyện bị hành hung trong vụ Văn Giang"
Đọc BBC: Hội nhà báo sẽ tìm hiểu 'vụ hành hung': "Hội nhà báo Việt Nam nói với BBC sẽ làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam và tìm hiểu vụ hai cán bộ, phóng viên của cơ quan này bị hành hung ở Văn Giang."
Đọc Báo Thanh Niên: Hai nhà báo của VOV xác nhận bị hành hung tại Văn Giang
Đọc ĐÀO TIẾN THI: THƯ NGỎ GỬI ANH NGUYỄN KHẮC HÀO
Đọc Nhà văn Nguyễn Quang Lập: NÀY HỠI ÔNG HÀO !
Đọc Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: PHÓ CHỦ TỊCH HÀO PHẢI XIN LỖI NHÂN DÂN VÀ THỦ TƯỚNG
Đọc : "Từ Văn Giang nghĩ về thân phận nông dân"

 ___________________________


1) Hạt mưa
(In trong sách giáo khoa lớp 3)

Mây mang đầy mình nước
Gió thổi thành hạt mưa
Rồi chia đều cho đất
Cho cỏ cây sông hồ.

Hạt mưa ủ trong vườn
Thành mỡ màu của đất
Hạt mưa trang mặt nước
Làm gương cho trăng soi.

Hạt mưa đến là nghịch
Có hôm chẳng cần mây
Bất chợt ào ào xuống
Rồi ào ào đi ngay.

2) Trung thu
http://www.tienphong.vn/van-nghe/96542/Bai-tho-Trung-thu-dai-40-km.html

10:10 | 22/09/2007
Bài thơ Trung thu 'dài' 40 km
TP - Đi gần chục cây số anh hỏi tôi: “Hôm nay mười mấy âm lịch rồi?”, tôi đáp: “12 âm lịch rồi!”. Vậy là còn 3 hôm nữa là rằm trung thu. Đi chục km nữa thì trăng đã lên. Nghĩ đến rằm trung thu là nghĩ đến trăng, anh Hào bỗng nghĩ ra một tứ thơ hay, rồi bảo tôi lấy giấy, bút ra ghi.
Chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 35 năm ngày thành lập trường phổ thông trung học thị xã Hưng Yên, giữa tháng 8 âm lịch 1994, anh Nguyễn Khắc Hào là hiệu trưởng và hiện là Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên cùng tôi đi Hà Nội gặp các thầy giáo cũ từng dạy ở đây trước 30 năm.
Năm ấy anh Hào còn rất trẻ, mới 38 tuổi, rất say thơ. Lúc về trời đã về chiều. Đi gần chục cây số anh hỏi tôi: “Hôm nay mười mấy âm lịch rồi?”, tôi đáp: “12 âm lịch rồi!”. Vậy là còn 3 hôm nữa là rằm trung thu.
Đi chục km nữa thì trăng đã lên. Nghĩ đến rằm trung thu là nghĩ đến trăng, anh Hào bỗng nghĩ ra một tứ thơ hay, rồi bảo tôi lấy giấy, bút ra ghi. Vì sợ khi về đến Hưng Yên bị tối nên anh không ngừng xe, mà giảm ga cho xe máy chạy từ từ. Tôi đặt tờ giấy lên lưng anh, nghe anh đọc và chép:
“Chẳng có dây mà đeo
Chẳng có chân mà đứng
Cứ lửng lơ giữa trời
Đốt mình làm ánh sáng...”
Chỉ vậy rồi anh im lặng không đọc nữa! Tôi hỏi: “Bốn câu hay đấy, nhưng chưa đủ ý, nếu kết thúc ở đây thì chẳng nói được cái gì, đó mới chỉ là những phát hiện tuy độc đáo nhưng chưa thành bài”. Một lát sau, anh đọc tiếp:
“Trăng không có công tắc
Nên phải thức thâu đêm
Lúc nào buồn ngủ quá
Chỉ khép mi một phần”.
Tôi nói: “Đoạn này cũng được, nhưng không bằng đoạn đầu”. Đi một quãng nữa anh lẩm bẩm đọc:
“Mặt hồ xanh ngăn ngắt
Trăng dát vàng lung linh
Đêm trăng – trên trời ấy
Cũng là hồ nước xanh”.
Chép hết đoạn, tôi nói ngay: “Đoạn này đuối hơn đoạn trước vì không có gì mới”. Lúc này tôi ngước nhìn cột mốc cây số bên đường đã chỉ “thị xã Hưng Yên 15km”. Thế là chúng tôi đã đi được 25 km rồi, trời cũng nhá nhem tối.
Anh Hào cứ im lặng. Tưởng bỏ dở bài thơ đến đây không có kết, tôi cũng không dám nhắc anh nghĩ tiếp bởi dường như từ đây về Hưng Yên lắm ổ gà, trời lại tối, phải để anh tập trung tay lái cho an toàn, về đến nơi đến chốn!
Đến Dốc Suối qua ánh đèn tôi nhìn thấy biển báo “Hưng Yên 4 km”, bỗng anh Hào bảo tôi: “Ông ghi tiếp đi”. “ Ừ thì ông đọc tiếp đi, tôi ghi mò vậy”.
“Những đêm rằm tháng tám
Sao trời trốn đi chơi
Riêng trăng còn ở lại
Thắp sáng cho mọi người”.
Tôi khen: “Câu thơ vừa phát hiện lại vừa có hậu”. Bài thơ kết thì chúng tôi cũng đã về đến giữa thị xã Hưng Yên rồi. Trung thu năm đó có hai tờ báo đã in bài thơ trên.
Có điều dưới con mắt xanh của biên tập viên, hai tờ báo đều bỏ hai đoạn giữa. Thế mới biết thơ hay ai cũng biết, nhưng bài thơ được làm trên lưng ngựa sắt (xe máy) lần ấy thì chưa ai biết, mà nó lại được viết dọc đường đi 40 km (từ Phố Hiến về thị xã Hưng Yên).
Bài thơ “Trăng trung thu” có 40 chữ. Vậy là mỗi cây số, thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Khắc Hào nghĩ ra được một từ hay.
Làm thơ mà lại làm cho trẻ con bằng sự tận tâm tận trí như vậy quả là một kỳ công... yêu trẻ, yêu trăng rằm trung thu.
Lê Hồng Thiện (Hưng Yên)
___________________________________________________________________________________________
Bài của nhà văn Nguyễn Quang Vinh:

PHÓ CHỦ TỊCH HÀO PHẢI XIN LỖI NHÂN DÂN VÀ THỦ TƯỚNG


Rate This

Đọc bản tin trên THANH NIÊN, lại nhớ ý kiến báo cáo sắc lẹm và lạnh của ông Hào PCT Hưng Yên khi nói rằng việc cưỡng chế đất VĂN GIANG rất thành công mà nổi cáu. Đến như nhà báo còn bị các lực lượng cưỡng chế đánh dã man thế này thì người ta nói cướp đất là phải rồi. Thời nay nói dối khó lắm. Ông Hào mà không chút áy náy, xấu hổ với báo cáo dối trá của mình thì e có vấn đề về thần kinh

_____________________________

Hai nhà báo của VOV xác nhận bị hành hung tại Văn Giang

_______________________________________________________________________
THƯ NGỎ GỬI ANH NGUYỄN KHẮC HÀO
Đào Tiến Thi
Hà Nội đêm 2 tháng 5 năm 2012
Kính gửi anh Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên
Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên
Thạc sỹ Ngữ văn, Nhà thơ, Nhà giáo ưu tú
 Em là Đào Tiến Thi, biên tập viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, người từng biên tập nội dung cho cuốn sách Giúp em nói và viết đúng L/N (xuất bản 2006) mà anh là tác giả, có thể anh còn nhớ.
Thưa anh, trước khi làm cuốn sách trên, em cũng đã biết đến anh, vì có lần đã gặp anh ở trụ sở Hội Nhà văn, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, và đã từng đọc một số bài thơ của anh (hiện anh có bài thơ Hạt mưatrong sách giáo khoa Tiếng Việt 3). Dịp biên tập nội dung sách Giúp em nói trên, thì có hẳn những cuộc gặp gỡ trao đổi về bản thảo và đến nay em hãy còn giữ cuốn sách Giúp em có lời đề tặng của anh. Nói thế để thấy em có những ấn tượng nhất định về anh. Còn đối với anh, tuy cũng là một trí thức nhưng lại là một quan chức, có thể tất cả những việc đó chỉ là những thủ tục, những việc xã giao vặt, không có gì phải nhớ. Đó cũng là lẽ thường.
Từ đó không có dịp gặp lại. Với em, hình ảnh về anh tuy không có gì sâu sắc, nhưng khi nhớ đến vẫn có một chút cảm tình. Cảm tình vì anh là một nhà giáo, nhà thơ, và tuy lúc ấy anh là giám đốc sở giáo dục (đang trên đà thăng tiến) nhưng cũng là người cởi mở, dễ mến.
Và thỉnh thoảng nếu có dịp gặp người Hưng Yên, em vẫn hỏi thăm về anh. Biết rằng mấy năm trước anh có gặp vài rắc rối nên được điều về làm bí thư một huyện, tức là con đường hoạn lộ đang đà thăng tiến có khựng lại một chút. Lúc ấy cứ thương thương anh vì em thường nghĩ trí thức mà làm quan là không hợp. Cánh buồm bể hoạn mênh mang mà! Nhưng rồi cũng mừng vì gần đây anh không những hết thời kỳ “biếm trích” (em nghĩ thế) mà lại trở thành PCT thường trực tỉnh. Tuy nhiên từ khi có rắc rối vụ Văn Giang, em lại lo lo, thương thương cho anh, đoán rằng thế nào anh cũng sẽ bị giằng xé giữa một bên là thành viên của hệ thống quyền lực với một bên là lương tri của người trí thức, nghệ sỹ. Điều còn chút yên tâm là trong các tin tức từ Văn Giang, suốt từ khi “nóng” lên (đầu tháng 4-2012) cho đến ngày xảy ra “trận chiến Văn Giang” 24-4-2012, không thấy anh xuất hiện, khiến em đoán rằng chắc anh cũng chỉ ở “vòng ngoài” thôi, thủ phạm đích thực là bí thư và chủ tịch kia.
Thế nhưng chiều tối nay đọc bài tường thuật trên Vietnamnet[1] thì em hết sức sửng sốt, choáng váng đến không tin ở mắt mình. Em phải hỏi lại một số người để xác định có đúng là anh Nguyễn Khắc Hào nhà thơ, nguyên giám đốc sở giáo dục hay không.
Với những cụm từ như “thực hiện theo đúng pháp luật, chế độ”, “chính sách đền bù hỗ trợ cao nhất”, “giải quyết thoả đáng những kiến nghị chính đáng của người dân”, “chủ trương đúng, hiệu quả KTXH cao, đúng các quy định của pháp luật, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ”,... anh đã đại diện cho chính quyền tỉnh Hưng Yên khẳng định rằng trong việc thu hồi, cưỡng chế đất ở Văn Giang vừa rồi, chính quyền không sai gì cả, trái lại chỉ có người dân đấu tranh đòi quyền lợi là sai thôi.
Kinh khủng hơn nữa, anh cho sự chống đối của người dân là do có thế lực phản động (cả trong và ngoài nước) đứng đằng sau kích động:
“Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển, thì nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết.
Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền” (Báo cáo của PCT Nguyễn Khắc Hào theo tường thuật của Vietnamnet).
Có lẽ cũng không cần phải tranh luận ở đây. Về cuộc thu hồi, cưỡng chế đất ở Văn Giang, anh có thể xem ý kiến của em trong bài Chỉ vì mấy đồng bạc của nhà tư sản? đăng trên blog Nguyễn Xuân Diệnngày 28-4-2012 và trích đăng cả trên một tờ chính thống là tạp chí Văn hóa Nghệ An ngày 2-5-2012 dưới tiêu đề Tại sao lại nhất thiết phải đổi đất lấy hạ tầng?[2]. Xin anh hãy xem lại Luật đất đai 2003, xem có điều nào cho phép thu hồi đất của dân mà đất đó cho doanh nghiệp dùng vào việc kinh doanh (chứ không phải cho an ninh, quốc phòng hay cho khu công nghiệp, khu công nghệ cao,... của Chính phủ). Anh hãy xem lại các hình ảnh công an, cảnh sát cơ động, dân vệ được trang bị vũ khí, dàn trận quy mô hệt như đánh trận, và quả thực đã có trận chiến với những loạt súng chói gắt, khói lửa mịt mù...
Và đặc biệt là cảnh lực lượng vũ trang của nhà nước tấn công người dân: cả chục công an, dân phòng xô vào khống chế 2 người dân, khiến họ không còn khả năng tự vệ nào để rồi đổ xuống thân thể họ trận mưa đòn đấm, đá, lên gối, vụt dùi cui, thúc gậy,... Chắc anh thừa hiểu, ngay cả khi họ phạm tội, cảnh sát cũng không có quyền đánh như thế, huống chi họ tay không và không có biểu hiện chống đối nào. Cách đánh người ấy chỉ có ở thời trung cổ, còn nếu thời hiện đại thì chỉ thấy xảy ra dưới chế độ diệt chủng Pôn-pốt hồi 1975 – 1978. Những hình ảnh mồ mả bị quật tơi bời sau cuộc cưỡng chế mà TS. Nguyễn Xuân Diện chụp được chiều 30-4[3] cũng chỉ có thể hiểu là hình ảnh trả thù kiểu trung cổ mà thôi. Nếu anh cho rằng đấy là sự dàn dựng của “các thế lực phản động” thì anh hãy cho điều tra rõ ràng rồi hãy kết luận.
Em cho rằng không phải anh không biết, thậm chí có thể anh cảm nhận điều ấy sâu sắc hơn em nhiều. Vì nó diễn ra ngay trên chính quê hương anh. Những người dân hiền lành lam lũ kia là hình ảnh của ông bà anh, cha mẹ anh, cô bác anh, các anh chị em họ hàng anh, các bạn bè thuở thơ ấu của anh. Và nhất là vì anh còn là một nhà thơ, hạng người dễ xúc cảm nhất, hạng người thấy cái đau của nhân quần chính là cái đau của mình.
Vậy thì vì sao mà anh xông vào cuộc để đại diện cho chính quyền tỉnh Hưng Yên với những tuyên bố ráo hoảnh, hăng hái và tự tin như vậy? Theo đó thì người ta thấy anh mới chính là người quyết đoán nhất trong việc thu hồi, cưỡng chế này, chứ không phải bí thư, chủ tịch, hai người cấp cao hơn anh.
Việc anh đứng ra chịu trận báo cáo trước Thủ tướng khiến em phải nghĩ đến có một sức ép hayđộng cơ gì đó. Sức ép thì có lẽ không: anh có thể từ chối, vì anh chỉ là cấp phó thôi mà. Em nghĩ thiên về khả năng thứ hai: có lẽ thấy anh còn trẻ (so với đội ngũ những người “ngang cơ”) nên người ta hứa cho anh vào những chỗ cao hơn. Và đây là cuộc “sát hạch” đối với anh. Em nghe nói ở Trung Quốc người ta cũng thường làm như thế. Nghĩa là muốn đặt một quan chức vào vị trí cao hơn, người ta giao cho anh ta phải làm một việc ÁC ĐỘC, xem anh ta có dám làm không. Một người ít học bị u mê như thế có thể hiểu được. Nhưng nếu nó lại là anh, ít ra cũng mang danh trí thức – nghệ sỹ thì thật là khủng khiếp. Nhưng dù có như thế thì có lẽ vẫn còn chút hy vọng hơn là do anh nhận thức tự giác, rằng đấy là “lý tưởng” cống hiến, là hoàn toàn “dấn thân” vì nhân dân.
Và nếu quả anh bị u mê vì những lời hứa hẹn này nọ để bài binh bố trận chống lại nhân dân thì, thay lời kết, xin đọc tặng anh mấy câu thơ của Nguyễn Du (mà chắc anh cũng biết) trong Văn tế thập loại chúng sinh:
- Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời.
- Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Dãi thây trăm họ làm công một người.
- Kìa những kẻ mũ cao áo rộng
Ngọn bút son thác sống ở tay
Kinh luân sẵn một túi đầy
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu
Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh
Ngàn vàng khôn đổi được mình
Lầu ca viện hát tan tành còn đâu.
Kính thư
Đào Tiến Thi


___________________________________________________________

Các thông tin khác về ông Hào:
- Năm 1997 ông Hào lúc ấy là PGĐ Sở GD HY liên quan đến việc cấp chứng nhận bằng giả: "Giám đốc Cảng Quảng Ninh dùng bằng giả"
LĐ số 286 Ngày 13.10.2003 Cập nhật: 06:28:21 - 13.10.2003


Giám đốc Cảng Quảng Ninh dùng bằng giả

Ngô Chí Tùng

Không học hết khoá đào tạo bổ túc văn hoá trung học, không tham dự kỳ thi tốt nghiệp, nhưng ông Vũ Khắc Từ (sinh ngày 27.11.1955 tại Đồng Thanh, Kim Thi, Hải Hưng (cũ)) vẫn có trong tay tấm bằng "Tốt nghiệp bổ túc văn hoá trung học". Từ tấm "bằng" dỏm này, ông Từ đã có được tấm "hộ chiếu" để  vào học tại chức ĐH Thương mại và ngoi lên ghế giám đốc Cảng Quảng Ninh. 6 năm nay ông vẫn yên vị ở cái chức và tấm bằng dỏm ấy.
Lập lờ đánh lận con đen
Những giấy tờ liên quan
đến văn bằng giả của ông Vũ Khắc Từ.
Cuối năm 1997, Đảng uỷ cảng Quảng Ninh đã nhận được kiến nghị của bà Trần Thị Trai (đảng viên, công tác tại cảng Quảng Ninh, người đã cùng công tác nhiều năm với ông Vũ Khắc Từ, Giám đốc Cảng Quảng Ninh) phản ánh việc ông Từ sử dụng bằng giả. Lá đơn nêu rõ: "Năm 1984 tôi và anh Vũ Khắc Từ  cùng học bổ túc văn hoá lớp 8A, Trường Bổ túc văn hoá cơ khí Hồng Gai do thầy Nhẫn làm Hiệu trưởng, học chưa được nửa học kỳ thì anh Từ bỏ học. Sau đó anh Từ đi nước ngoài về và không hiểu lấy đâu ra bằng để đi học đại học tại chức. Tôi thấy vô lý quá...". Với trách nhiệm của một cán bộ đảng viên, bà Trai đã đề nghị Đảng uỷ cảng cần có biện  pháp thẩm tra làm rõ để kết luận cụ thể vấn đề trên.

Đơn kiến nghị của bà Trai lúc đó đã trở thành vấn đề rất "sốc" đối với rất nhiều CBCNV đang làm việc tại cảng Quảng Ninh bởi người bị tố cáo chính là đương kim giám đốc cảng. Văn bằng của ông Vũ Khắc Từ bị tố cáo giả là bằng tốt nghiệp bổ túc văn hoá trung học. Văn bằng này được cấp ngày 26.4.1991 (đóng dấu cấp lại) do Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hải Hưng là Lê Thị Kim Dung ký với nội dung: "Cấp cho Vũ Khắc Từ, sinh ngày 27.11.1955 tại Đồng Thanh, Kim Thi, Hải Hưng đã tốt nghiệp BTVH, trung học trong kỳ thi  ngày... tháng... năm 1983 (không ghi  ngày tháng-PV) tại Hội đồng thi Lương Bằng, theo chương trình đào tạo tại chức, xếp loại trúng tuyển: Khá".

Ngay sau khi nhận được lá đơn kiến nghị trên, Đảng uỷ cảng Quảng Ninh đã tiến hành xác minh sự việc. Ngày 18.10.1997, ông Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở GDĐT Hưng Yên đã ký công văn số 110/GDTX- CN trả lời Đảng uỷ Cảng Quảng Ninh với nội dung: "Kiểm tra danh sách thí sinh tại hội đồng thi Lương Bằng năm 1983; Xác minh không có tên thí sinh Vũ Khắc Từ sinh ngày 27.11.1955 tại Đồng Thanh, Kim Thi, Hải Hưng dự thi tại hội đồng thi Lương Bằng năm 1983".

Tấm bằng tốt nghiệp của ông Từ.
Những tưởng sự việc đến thế là rất rõ ràng nhưng, thật bất ngờ, chưa đầy nửa tháng sau (ngày 2.11.1997), khi chính ông Vũ Khắc Từ đến Sở GDĐT Hưng Yên làm đơn xin xác nhận việc cấp lại bằng thì ông Nguyễn Khắc Hào lại làm "giấy xác nhận" với nội dung văn bằng mà ông Vũ Khắc Từ đang sử dụng là có thật (?).

Để giải thích cho sự tréo ngoe này, trong giấy xác nhận, ông Hào giải thích: "Hội đồng thi Lương Bằng - Kim Động năm 1983 có 7 phòng thi, đến nay chỉ còn danh sách 5 phòng thi (bị mất 2 phòng) vì thời gian lưu trữ quá lâu trong hoàn cảnh phải di chuyển, chạy bão lụt liên tục và chuyển giao công việc qua 4 cán bộ. Đặc biệt việc phân chia tài liệu khi tách tỉnh: Về số lượng bị thiếu hụt và chất lượng giấy tờ bị mục nát, mối xông quá nhiều không sử dụng được. Mặt khác ông Vũ Khắc Từ thuộc cán bộ đi học, tuổi đã cao cho nên không nằm trong danh sách chung với các phòng của học sinh.

Nhưng xem xét hồ sơ lưu trữ tại Trường Bổ túc văn hoá Kim Động cách đây 14 năm gồm có: 01 biên bản kiểm tra chất lượng lớp 8 + 9 do ông Nguyễn Văn Tín - Phó Trưởng ban giáo dục huyện Kim Thi ký; 01 giấy chứng nhận học lớp 10 bổ túc văn hoá của Sở GDĐT Hải Hưng do ông Trương Văn Nghệ, Phó giám đốc Sở ký; 01 học bạ chính lớp 10, phần cuối học bạ có ghi "đã đỗ tốt nghiệp bổ túc văn hoá cấp III"; 01 đơn xin dự thi tốt nghiệp bổ túc văn hoá cấp III năm học 1982-1983.

Đó là những căn cứ quan trọng để Sở GDĐT Hải Hưng năm 1991 cấp lại bằng cho ông Từ. Bằng tốt nghiệp đó được sử dụng như bằng chính". Trả lời này của ông Nguyễn Khắc Hào đã chặn đứng cuộc điều tra làm sáng tỏ vấn đề của Đảng uỷ Cảng Quảng Ninh và dưới sức ép của ông Từ, vụ việc chìm xuồng từ đó cho đến nay.

Không thể phủ nhận việc  dùng bằng giả để được đề bạtĐể làm rõ việc văn bản xác nhận của Giám đốc Sở GDĐT Hưng Yên về việc cấp lại bằng tốt nghiệp cho ông Vũ Khắc Từ là đúng  hay sai, ngày 10.10.2003 chúng tôi đã đến làm việc với Bộ GDĐT. Ông Lại Hữu Miễn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và đào tạo đã cho biết quy trình cấp lại bằng tốt nghiệp như sau: "Việc cấp lại bằng tốt nghiệp trung học là rất hãn hữu và chỉ xảy ra khi người được cấp bằng do thiên tai, địch hoạ hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó mà bị mất mới được cấp lại. Người mất bằng phải có đơn và xác nhận của chính quyền địa phương về thiên tai, địch hoạ gửi sở GDĐT. Sở GDĐT căn cứ vào đó xem xét cấp lại bằng hoặc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp".

Ông Miễn cũng cho biết: "Theo quy định của Bộ GDĐT, để cấp lại bằng loại này thì phải căn cứ vào các biên bản của hội đồng thi. Danh sách ghi tên, ghi điểm có cả chữ ký của thí sinh. Thí sinh phải tham dự kỳ thi, đủ điểm xét tuyển thì mới có thể cấp lại. Bằng không, không có căn cứ nào để xét cấp lại. Diện bổ túc không có xét tốt nghiệp đặc cách. Trong trường hợp cấp lại bằng do phúc khảo thì vẫn phải đảm bảo yếu tố có dự thi và đạt mức điểm quy định".

Nếu căn cứ vào quy định này thì với những lý do như trong "giấy xác nhận" của Sở GDĐT Hải Hưng đã nêu trên, ông Từ không đủ cơ sở để Sở GDĐT Hưng Yên cấp lại bằng tốt nghiệp và Sở GDĐT Hưng Yên không được phép "cấp lại" bằng tốt nghiệp cho ông Từ. điều đó đồng nghĩa với việc văn bằng, giấy chứng nhận cấp lại cho ông Từ là không đủ cơ sở pháp lý.

Tìm hiểu thêm về vấn đề này chúng tôi được biết: Năm 1983 ông Vũ Khắc Từ  được nhận vào  làm nhân viên tại cảng Quảng Ninh. Đầu năm 1984, ông Từ đã tranh thủ đi học bổ túc văn hoá vào ban đêm. Cuối năm 1984, theo chủ trương xuất khẩu lao động, ông Từ cùng một số CBCNV của cảng Quảng Ninh đã đi xuất khẩu lao động, việc học bổ túc của ông cũng chấm dứt luôn từ đó. Đến khoảng  đầu năm 1990 ông Từ trở về nước  và xin quay lại làm việc tại cảng. Năm 1991 không hiểu bằng cách nào ông Từ "kiếm" được tấm "bằng" tốt nghiệp bổ túc văn hoá trung học như đã nói ở trên. Nhờ tấm "bằng" này, ông Từ đã đăng ký học đại học tại chức Thương mại tổ chức tại Quảng Ninh. Từ năm 1997 đến nay giữ chức vụ giám đốc cảng.

Để xác minh chính xác vụ việc, chúng tôi đã tiến hành sưu tra tại Phòng Lưu trữ Bộ GDĐT để xác minh lại tấm văn bằng của ông Vũ Khắc Từ là thật hay giả. Tại đây sau khi tiến hành rà soát hồ sơ, Phòng Lưu trữ đã cấp cho chúng tôi toàn bộ danh sách thí sinh đã trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp BTVH trung học năm học 1982-1983 tại hội đồng thi Lương Bằng, Kim Thi, Hải Hưng. Trong bản danh sách này có đầy đủ tên, tuổi, quê quán, số báo danh, số bằng tốt nghiệp của 50 thí sinh với 7 phòng thi của kỳ thi này nhưng không hề có tên ông Vũ Khắc Từ sinh ngày 27.11.1955 tại xã Đồng Thanh, Kim Thi, Hải Hưng.

Như vậy là quá rõ, Sở GDĐT Hải Hưng chỉ có danh sách 5 phòng thi vì mất (theo giải thích của ông Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở - PV) nhưng Bộ GDĐT vẫn còn lưu giữ đầy đủ danh sách các thí sinh đã trúng tuyển tốt nghiệp. Tên ông Vũ Khắc Từ không có trong danh sách được cấp bằng thì đồng nghĩa với việc văn bằng mà ông đang sử dụng từ 6 năm qua (trong đó có việc dùng để thi vào đại học tại chức Thương mại) là bất hợp pháp.

Cứ cho rằng ông Từ đã có bằng tốt nghiệp từ năm 1983, thì có một điều mà chính ông Từ cũng không thể giải thích được là tại sao năm 1984 (sau khi tốt nghiệp một năm) ông lại phải đi học bổ túc văn hoá lớp "8A" ban đêm để làm gì?!

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang ra sức chống những hành vi tiêu cực nhất là sử dụng văn bằng chứng chỉ giả để thăng quan tiến chức. Theo quan điểm ấy thì việc làm của ông Vũ Khắc Từ như đã nêu trên là không thể chấp nhận được.

Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để nhanh chóng tìm ra sự thật vì sao ông Từ lại có thể sử dụng  tấm bằng giả này để được đề bạt lên chức Giám đốc Cảng Quảng Ninh cũng như việc vì sao Sở GD-ĐT  Hưng Yên lại có thể dễ dàng cấp lại bằng tốt nghiệp cho ông Từ như vậy?
 ©2003 Lao Dong All Rights Reserved - Contact us: webmaster@laodong.com.vn


1 comment: